Uống rượu vang có thực sự tốt cho sức khỏe (phần 1)

Uống rượu vang có thực sự tốt cho sức khỏe (phần 1)

Chúng ta thường nghe nói rằng thỉnh thoảng uống một ly rượu vang sẽ tốt hơn là không uống chút nào. Thế nhưng nhưng điều đó chưa hẳn đã đúng.

Rượu giết chết hàng triệu người mỗi năm, nhưng con người vẫn uống rượu từ hàng ngàn năm nay.

Đặc biệt, trong vài thập niên gần đây, rượu vang được cho là rất tốt cho sức khỏe. Vang đỏ thậm chí còn được cho là giúp kéo dài tuổi thọ và làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Thế nhưng rượu vang thực sự có tốt cho sức khỏe hay không?

Câu hỏi đầu tiên tất nhiên là chúng ta cần định nghĩa 'tốt cho sức khỏe' là thế nào.

Nhiều người nghĩ về sức khỏe tim mạch khi nói tới tác dụng của rượu vang.

Điều ít được biết tới hơn là nghiên cứu cho thấy có những mối liên hệ mạnh mẽ giữa đồ uống có cồn và bệnh ung thư.

Uống một chai rượu vang mỗi tuần có thể sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư ở nam giới là 1% và ở phụ nữ là 1,4% đối với những người không hút thuốc.

Như vậy, uống một chai vang mỗi tuần sẽ tương đương với việc nam giới hút 5 điếu thuốc, hoặc phụ nữ hút 10 điếu.

"Nếu như đã có rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để tìm hiểu mối liên hệ giữa việc hút thuốc với bệnh ung thư thì nghiên cứu tương tự đối với rượu lại rất ít. Lý do là bởi giới chức y tế kiểm soát những thông điệp về việc hút thuốc, nhưng đối với rượu thì điều này chủ yếu phụ thuộc vào chính bản thân ngành công nghiệp bia rượu," Mark Bellis, giám đốc phụ trách chính sách nghiên cứu và phát triển quốc tế tại Bộ Y tế xứ Wales, nói.

Việc diễn giải rằng kết quả nghiên cứu cho thấy uống rượu có lợi cho sức khỏe được đưa ra từ thời thập niên 1970, khi các khoa học gia nhận thấy rằng người Pháp có vẻ ít bị các chứng bệnh tim mạch hơn các nhóm dân số khác, mặc dù họ ăn nhiều thực phẩm có chất béo bão hòa hơn.

Mức độ mắc bệnh tim thấp có mối quan hệ rõ ràng với việc uống rượu. Điều này được biết đến với tên gọi Nghịch lý kiểu Pháp (French paradox), câu hỏi hóc búa mà các khoa học gia đến nay vẫn chưa giải được.

Hồi thập niên 1970, các khoa học gia phát hiện ra rằng người Pháp ít mắc các bệnh tim mạch hơn và điều này được cho là có liên hệ tới việc uống rượu

Kể từ đó, chúng ta đã được dẫn dắt để tin rằng uống rượu vang mức độ vừa phải sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường và tăng cân.

"Nghiên cứu thời kỳ đầu cho thấy việc uống rượu vang ở mức độ vừa phải có tác dụng 'hình chữ J'," Helena Conibea, đồng giám đốc diễn đàn khoa học quốc tế về nghiên cứu rượu, nói.

"Uống rượu vang đều đặn với mức độ ít có vẻ như sẽ giúp kéo dài tuổi thọ, tăng cường sức khỏe và giúp chống suy giảm nhận thức. Kể từ đó, đã có hơn 1.000 nghiên cứu được công bố để tái khẳng định nội dung này."

Kết quả là trong một thời gian dài, người ta đồng ý rằng việc không uống rượu chút nào thì không tốt bằng việc uống một lượng rượu phải chăng (tương đương với một hoặc hai đơn vị cồn mỗi ngày).

Nhưng mối quan hệ hình "J" giữa việc uống rượu và chuyện tử vong cũng như việc mắc bệnh đã bị chỉ trích. Nay thì vấn đề được hiểu một cách rộng rãi rằng dữ liệu này có rất nhiều sai sót: có những người không uống rượu là vì họ không khoẻ, chứ không phải là họ không khoẻ bởi vì không uống rượu.

Một phân tích được thực hiện năm 2006 đối với 54 nghiên cứu đã được công bố trước đó cho thấy không có mối tương quan nào giữa việc uống rượu ở mức phải chăng với nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp.

Các nghiên cứu cho thấy những người uống rượu ở mức vừa phải có nguy cơ mắc bệnh tim thấp... nhưng cũng không hẳn thế

Nhưng kể từ đó, các nghiên cứu khác lại cho kết quả đối nghịch, Conibear nói.

"Trong 5 năm qua, công tác nghiên cứu đã nhìn tới các yếu tố khác nhau," bà nói.

"Chúng ta biết rằng những người uống rượu vang có vẻ như khỏe mạnh hơn, có học vấn tốt hơn và có cuộc sống ít biến động hơn - và trong chuyện này thì đường cong hình J là điều không thể bác bỏ."

Bà nói rằng các nhà nghiên cứu đã né định kiến này bằng cách chọn những người tham gia thử nghiệm là những người chưa từng uống rượu bao giờ, thay vì chọn những người đã từng uống nhưng nay bỏ rượu, bởi nhiều khả năng họ bỏ rượu là vì lý do sức khỏe.

Trong một nghiên cứu năm 2019, các nhà nghiên cứu áp dụng cách tiếp cận khác để xác định xem liệu việc uống rượu ở mức độ phải chăng có liên quan gì tới mức độ rủi ro thấp mắc bệnh tim mạch hay không.

Trong vòng 10 năm, họ theo dõi hơn 500.000 người trưởng thành tại Trung Quốc nơi có hai biến thể gene tác động tới thói quen uống rượu (ALDH2-rs671 và ADH1B-rs1229984) thay vì lý do sức khỏe kém. Họ cũng loại trừ những người có sức khỏe không tốt.

"Những người không có khiếm khuyết gì có thể uống bao nhiêu tùy thích," Zhengming Chen, một trong các tác giả bản nghiên cứu, đồng thời là giáo sư dịch tễ học từ Khoa Y tế Cộng đồng Nuffield thuộc Đại học Oxford, nói.

"Nhưng những ai có enzyme hoạt động không hoàn hảo thì sẽ không uống được bất kỳ chút rượu nào," ông nói.

Các nhà nghiên cứu cũng đưa các phụ nữ Trung Quốc vào thành một nhóm để theo dõi, bởi tuy có nhiều phụ nữ nước này có thể uống rượu tốt nhưng nhiều người trong số họ không uống vì những lý do xã hội chứ không phải vì vấn đề sức khỏe, Chen nói.

Một nghiên cứu cho kết quả là những ai càng uống nhiều thì càng dễ bị cao huyết áp và đột quỵ, nhưng không bị truỵ tim trong vòng 10 năm

Lần này, các nhà nghiên cứu thấy không có mối tương quan trong đường cong hình 'J'.

Thay vào đó, họ thấy rằng những ai càng uống nhiều thì càng dễ bị cao huyết áp và đột quỵ - và không có sự giảm bớt trong nguy cơ mắc bệnh ở những người uống một hoặc hai đơn vị cồn mỗi ngày. Cũng không hề có mối liên hệ nào tới việc bị truỵ tim.

Và như vậy là trong khi có mối liên hệ rõ ràng giữa việc uống rượu với nguy cơ đột quỵ, thì trong rượu cũng có thứ gì đó giúp bảo vệ ta khỏi bị truỵ tim.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng rượu chắc chắn là có một cơ chế bảo vệ, bởi việc uống nhiều rượu một cách đều đặn thì làm tăng huyết áp, nhưng với bệnh tim thì mối liên hệ lại tương đối phẳng lặng," Chen nói.

Nhìn chung, rượu có thể giúp giảm bớt nguy cơ mắc bệnh tim nhưng thay vào đó lại làm tăng huyết áp. Tuy nhiên, hiện chưa rõ là tác dụng tích cực của rượu có lớn hơn so với tác dụng tiêu cực hay không

"Cho nên thậm chí huyết áp tăng thì có thể vẫn có một cơ chế khác để cân bằng lại cho mức huyết áp tăng lên đó. Nhưng chúng tôi không rõ là cơ chế bảo vệ này có đủ mạnh để bù trừ cho việc rượu khiến làm tăng huyết áp hay không."

Điều quan trọng cần lưu ý là các nhà nghiên cứu đã chuyển đổi mọi đồ uống có cồn sang thành những đơn vị rượu tiêu chuẩn, cho nên kết quả thu được không phải là chỉ đúng đối với rượu vang. Tuy nhiên, Chen nói rằng rượu vang sẽ không cho những kết quả khác.

(Cainutban tổng hợp)

Đang xem: Uống rượu vang có thực sự tốt cho sức khỏe (phần 1)